Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

GẶP MÙA XUÂN CHÍN... TƠ VƯƠNG THƠ HÀN (Thầy Lê Từ Hiển)



1. Bắt đầu từ một mái tranh xuân

Ngày xửa ngày xưa... Như câu chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa... Cổ tích của tôi là thời hai mươi tuổi, trí đang khỏe, hồn còn thơm, một sớm xuân, chân bướm điệp du xuân lạc bước đến xóm quê nào. Sông xuân sương khói, nắng xuân, chớm màu, lúa xuân mượt tóc mạ non... Và những mái tranh xuân thanh bình ẩn hiện. Ừ, những mái tranh rồi cũng thành cổ tích, mai rồi con cháu kể nhau nghe. Thế hệ 8X, 9X bây giờ đi xe hộp, ở nhà hộp... mái tranh lui dần vào quá vãng.

Sớm ấy, hiện ra một mái tranh ngả màu thời gian, song lại nhuốm vàng rực rỡ. Thì ra, cội mai già trước nhà rắc hoa theo gió, rắc cả lên mái tranh làm thành bức họa tuyệt vời, khiến khách du xuân phải ngẩn ngơ dừng bước: Trong làn nắng ửng khói mơ tan - Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng...

Mùa xuân chín! Đời người được mấy lần hai mươi tuổi? Chỉ biết thời gian trôi, mỗi năm một lần xuân, nhưng mùa xuân ấy không bao giờ trở lại. Vì vậy mà cứ thắm mãi trong ký ức. Như thơ Hàn vậy. Đếm làm sao hết thơ xuân kim cổ. Nhưng xuân chỉ chín một lần thôi, trong thơ của người thi sĩ ấy. Điều kỳ diệu là mọc lên từ hạt giống Đau thương, mà trái xuân chín, người dâng đời lại rất mực thơm thảo, ngọt lành. Sau này, ngày tết thư nhàn, cảo thơm lần giở, lòng cứ bâng khuâng thầm hỏi, sao đời đau dường ấy mà thơ xuân thắm đến dường kia.

Mùa xuân - khởi đầu của mọi khởi đầu - cũng là mùa tuổi trẻ, mùa tình. Nên với các nhà Thơ mới - hầu hết ở tuổi trên dưới đôi mươi - tìm thấy niềm cộng hưởng mà dệt thành những mùa xuân hoa gấm. Xuân Diệu - ông hoàng thơ tình có cả một Xuân không mùa, Nguyễn Bính - người thi sĩ chân quê thì góp một Mùa xuân xanh, chưa kể xuân đến từ những phiên Chợ Tết rộn rịp, những Bức tranh quê êm đềm... Xuân của Xuân Diệu giàu, bày la liệt những phẩm vật của mùa xuân Của ong bướm này đây tuần tháng mật - Này đây hoa của đồng nội xanh rì... Xuân của Nguyễn Bính duyên đằm thắm hồn quê Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay - Hoa xuân lớp lớp rụng vơi đầy... Với Hàn Mặc Tử, ấy là xuân vừa giàu vừa đẹp.

Nói khái quát, thơ gồm trong bảy chữ: Ý, tứ, tình, cảnh, sự, văn, nhạc. Trong làng Thơ mới, có lẽ chẳng ai viết đủ các cung bậc mùa xuân, giai điệu xuân, tình xuân... ngập những nắng trăng nhạc hương hoa sắc vị... như Hàn Mặc Tử. Vũ trụ xuân thi ca ấy là sự tích hợp kỳ lạ một xuân cổ điển Phong Trần - Lệ Thanh với Xuân hứng, Sầu xuân... Xuân lãng mạn với Gái quê, Tình quê... Xuân chuyển mình ủ trong đau thương có hương thơm pha mật đắng với Mùa xuân chín, Vĩ Dạ thôn... Xuân miền tượng trưng - siêu thực tan loãng thoát bay những gì có thực và cô đọng lại những gì tan loãng “...tụ điểm của những gì hoàn bị và tuyệt đích của những gì chưa thành” (Walt Withman), bay lên một Xuân như ý “sáng láng, phương phi...” của Đêm xuân cầu nguyện, Xuân đầu tiên... tuôn trào từ Nguồn thơm Ánh sáng khải huyền Phải mời cho được Xuân thiên ra đời...

2. Thơ đợi xuân về phát tiết ra

Sáng mồng một... phố xuân rải rác cúc vàng, mai thắm, hải đường hồng, thược dược tía... Nhiều nhà kín cửa như mùa xuân đi vắng. Thì ra, xuân tản mác về những làng quê xa, trên hoa lá cỏ cây, nồi bánh chưng thơm, áo mới bầy trẻ tung tăng khoe sắc.

Không như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ... gắn bó tha thiết với thôn quê để nhìn mùa xuân dân dã từ bên trong mà nắm bắt vẻ đẹp xuân với những gì nhỏ bé, gần gụi nhất: Phiên chợ quê, con đò, bến nước, làn mưa bụi, hoa xoan nở... Với thôn quê, Hàn Mặc Tử chỉ là một “khách xa” như ông tự nhận. Nhưng người khách xa ấy, bằng đôi mắt tinh tế, trái tim nhạy cảm đã nhanh chóng thâu thái được cái thần của cảnh vật. Đoàn Văn Cừ thiên về phối hợp gam màu tươi sáng có thể gọi tên: Áng mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi - Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh - Trên con đường viền trắng mép đồi xanh, Anh Thơ phô bày những hình ảnh nên thơ Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng - Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi... Hàn Mặc Tử không tả mà gợi, bằng vài nét chấm phá mà cả một mùa xuân đã hiện hình - màu nắng ửng, làn khói mơ tan ấy, màu vàng lấm tấm ấy thật không dễ gọi như Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh. Dễ dàng nhận ra bút pháp ẩn tú của một ngòi bút mang căn cốt Đường thi thâm hậu mà cụ Phan Bội Châu từng ước ao được gặp một thời mang tên Lệ Thanh.

Căn cốt ấy có từ mạch cổ thi Phương thảo liên thiên bích - Lê chi sổ điểm hoa để Nguyễn Du sáng tạo một bức tranh nên thơ Cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, và ám ảnh Hàn thi sĩ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời... cũng trên nền tảng bút pháp hài hòa diện - điểm, nhưng vượt quá cái ước lệ mà rạo rực thiếu nữ hát dậy xuân lòng. Tuyệt phẩm Mùa xuân chín khép lại mùa xuân trần thế phôi thai từ thuở Gái quê, để từ đó nối vào xuân thiên đường - Xuân như ý.

Không đợi đến khi Xuân được gọi thành tên, từ thuở Gái quê thơ Hàn đã ngập đầy xuân. Gái quê là tập thơ đầu tiên đưa Hàn từ thơ cổ điển chuyển sang địa hạt Thơ mới, với thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát quen thuộc, còn phảng phất màu sắc của Kinh thi, Đường thi, phong dao. “Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực đầy hình ảnh khêu gợi” (Hoài Thanh). Mùa xuân trong Gái quê là Mùa tình gắn với những cặp môi hường, má hồng thiếu nữ, với hương nồng trong vạt áo thanh xuân, những rạo rực khát khao vừa mãnh liệt tha thiết vừa rụt rè Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự - Tôi đều nhận thấy ở môi em - Làn môi mong mỏng tươi như máu - Đã khiến môi tôi mấp máy thèm (Gái quê). Ta gặp ở đây những thi liệu rồi sẽ dệt nên Mùa xuân chín: Lá xuân sột soạt trong làn nắng - Ta ngỡ, em ơi, vạt áo hường (Nắng tươi), Từ ấy xuân em càng chín ửng (Mất duyên), Nhưng xuân em chín từ năm ngoái (Duyên muộn)... Tất cả rồi sẽ được chưng cất, chọn lọc để rồi kết tinh thành một Mùa xuân chín toàn bích.

Xuân thì trẻ trung, chàng trai trẻ ấy thì tha thiết yêu đời. Nhưng rồi Đau thương ập đến, để mùa xuân kia chỉ còn là những mảnh xuân tàn tạ: Hãy chôn những mảnh xuân tàn tạ - Và hãy chôn sâu tận đáy lòng (Mơ hoa). Mùa xuân bây giờ nhường chỗ cho một thế giới mờ nhân ảnh, với không - thời gian bất định không biết là mùa nào. Ở đó, ngập trăng, ánh trăng lạnh bầu bạn với thi nhân trong nỗi cô đơn sâu hun hút Tôi vẫn còn đây hay ở đâu - Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu - Sao bông phượng nở trong màu huyết - Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu (Những giọt lệ). Những nghiệt ngã của số phận, những ngang trái của tình yêu, những tưởng mùa xuân đã giãy chết trong thơ Hàn, vậy mà xuân đã trở lại, đẹp đẽ hơn bao giờ, lộng lẫy hơn bao giờ.

Xuân như ý là xuân sáng tạo, là Xuân đầu tiên Thuở ấy càn khôn mới dựng nên. “Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng” (Hoài Thanh). Lọc qua Đau thương, nguồn suối thơ Hàn trở nên trong trẻo và mỹ lệ, được chuyển tải hầu hết bằng thể thơ 8 chữ đặc trưng của Thơ mới đạt đến độ điêu luyện tài hoa. Thế giới thơ được xây bằng trí tưởng tượng diệu kỳ sáng trưng lưu ly, thất bảo Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm - Còn mặt trời kia tợ khối vàng. Tình yêu trần thế nhuốm màu sắc dục đã nhường chỗ cho niềm tin linh thánh, nhưng trên hết, mùa xuân bây giờ là Mùa thơ. Đau thương làm tê liệt thể xác nhưng cũng chắp cánh cho tinh thần thăng hoa, khơi nguồn sáng tạo - mà Thi nhân đóng vai trò của Đấng sáng thế: Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân - Nở một lượt giàu sang hơn Thượng đế (Đêm xuân cầu nguyện). Từ dòng thời gian sâu hút tuyệt vọng đã trở thành Bốn mùa xuân cả bốn, Tứ thời xuân non nước, cũng là vì Bốn mùa thơ xanh xanh như cẩm thạch mà nên. Hành động sáng tạo của người nghệ sĩ được hình dung bằng những hình ảnh tuyệt vời, đẹp đẽ, thiêng liêng, thăng hoa tự Nguồn thơm: Ta cho ra một dòng thơ rất mát - Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương - Trời như hớp phải men thơ ngan ngát - Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương.

Khứu giác và vị giác hòa xuân giao cảm “vì chưng xuân là lương thực ngọt mỹ vị, ánh xuân là nguồn tư tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê li, tuổi xuân là Ngọc Như Ý, tên xuân là Dạ Lan Hương”: Trầm ngán nghê bay trong lãnh cung - Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng... Nhưng nhà thơ đã dứt được đâu những tơ vương trần thế, đôi khi vết thương kia vẫn nhói đau mà nên Anh điên, Lang thang, Say chết đêm nay..., thành tiếng kêu thống thiết Phan Thiết! Phan Thiết! lung linh màu sắc huyền thoại.

Đến Duyên kỳ ngộ, Xuân trong thơ Hàn đã hòa hợp không còn phân biệt Đạo và Đời, trần tục và linh thánh. Trần thế mà không vẩn đục, linh thánh mà không xa lạ. Đến đây mùa xuân - mùa tình - mùa thơ đã hợp làm một, như lời của tiên nữ Thương Thương nói với thi sĩ Hàn Mặc Tử: Mùa xuân em sẽ rất nhiều hoa bướm - Bởi thơ anh tô điểm đẹp trăm chiều.

Một ánh sao băng rực sáng rồi vụt tắt. Nhắm mắt lại, và Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy - Như chực xuân về thổ lộ ra...

3. Màu xuân trong nắng gọi tên mình

Thế là ta đã cùng Người thơ là khách lạ đi giữa mùa trong trẻo rước nàng Xuân lên đồi cỏ hoa ngập lối. Hiện hữu trong vô biên một mùa Xuân đầu tiên vạn vật ươm mầm sống tinh khôi rạo rực trên quả địa cầu mới lạ hoan ca Mai này thiên địa mới tinh khôi... Người thơ phong vận như thơ ấy - Nào đã ra đời ngọc biết tên...

Đêm giao thừa, trong cuộc hôn phối đất trời, ra đời một nguồn vui lặng lẽ sáng tạo - ý thức nhân sinh, cụ thể nghe, thấy, ngửi, chạm... mà rất đỗi thiêng liêng. Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc - Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác - Rất phương phi trên hết cả anh hoa - Xuân ra đời... Ấy là cả bầu khí quyển hoan ca, tâm hương, hoa xuân, trà thanh tửu nồng, lời yêu... tuôn trào Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước - Phút thiêng liêng nhuộm gội ánh thiều quang... Ô kìa! Ánh sáng kia là trăng hay nắng?

Ai cũng biết thơ Hàn đầy trăng. Đọc thơ xuân, còn thấy thơ Hàn tràn nắng. Nắng mới, nắng tươi, nắng ửng, nắng hường, nắng thơm...

Mùa xuân chín lên từ cái nắng mới lạ thường, ửng lên trong khói mơ tan, ấm áp hài hòa trong sự hô ứng, đón lấy từ mái nhà tranh... Nắng ướt mướt - long lanh - thanh khiết... một thời thiếu nữ vụt xa - thoáng hiện -luyến láy mở đầu Đây thôn Vỹ Dạ. Xuân về, nắng mới lên rồi. Mở cửa, giang tay ôm Mùa xuân chín. Tết đến, ai chẳng thèm chơi, thèm nhìn rạo rực, đắm say cái đẹp trinh nguyên - trần thế - xuân thì. Hẹn với xuân xanh chơi cái đã.

Mở đầu Xuân đầu tiên là Mai sáng mai, trời cao rộng quá - Gió căng hơi và nhạc lên mây, và kết đầy khẩu cảm Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời! Và Nắng tươi... ngập nắng, giòn ngọt. Nắng phô mình 6 trong 3 khổ thơ: Mây hờ không phủ đồi cao nữa - Vì cả trời xuân tắm nắng tươi... Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu - Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi... Nắng mới kết hôn môi tươi, nắng nhuộm má hồng hào, Lá xuân sột soạt trong làn nắng... Cho nên, có Say trăng, có cả Say nắng... Áo xiêm nhuộm nắng hồng hào chưa khô... Như là ánh nắng vàng lay... Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe...

Nguyễn Bính có một mùa xuân trong mưa, làn mưa bụi êm của đất Bắc rắc tình lên cảnh. Nắng của ngày và trăng của đêm làm thơ Hàn ngập sáng. Đó là ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn thi nhân thánh thiện, từ lòng yêu cuộc sống “bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng hồn... gần đứt hơi sự sống”. Quả vậy, hai vầng nhật nguyệt chỉ là chiết quang ánh sáng, hai mặt âm dương chỉ là soi mình trong bản thể. Mê trăng vàng là đâm mê trinh tiết - Mê nắng vàng như phối hợp tình duyên... Mùa xuân ấy là lòng tôi tha thiết ... Ôi chao ôi! Trong nắng rực mùi hương.

Nếu “Thơ là một thứ tinh lực” (Energie), thì gì bằng rạo rực xuân thì. Khép trang thơ, thấy ngập thềm nắng mới. Nắng sao như nắng đời xưa ấy... Nghe xôn xao từng chồi biếc non tơ. 

Đã thấy xuân về với gió đông... Này em, sáng nay đẩy cửa, đã thấy xuân về hay chưa? Lòng hỏi lòng, lòng cũng không rõ nữa. Chỉ biết Mùa xuân chín... dù chỉ chín một lần nhưng mãi ủ hương hoa... Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc - Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay...


Lê Từ Hiền
Tạp chí Nhật Lệ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét